‘Việt Nam nên chủ động tham gia thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu’

Theo bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển, Việt Nam nên chủ động tham gia thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu, cụ thể như quyền đánh thuế chính đáng.
Ngọc Quỳnh (TTXVN/Vietnam+) 21/04/2023 19:35 GMT+7

Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam” hôm 18/4 (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Ngày 21/4, tại Hà Nội, Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức hội thảo Công bố kết quả báo cáo thuế suất tối thiểu toàn cầu và chiến lược phát triển nghiên cứu chủ trương, chính sách của Việt Nam chủ động tham gia thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Sự kiện thu hút sự tham gia của đại diện các trung tâm và nghiên cứu chính sách, các hiệp hội ngành nghề cùng một số doanh nghiệp.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển, chủ nhiệm đề án “Từ chính sách ra cuộc sống” đã báo cáo đánh giá tác động chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu lên các quốc gia và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.

Đồng thời, bà Nguyễn Thy Nga đề xuất giải pháp liên kết khoa học-doanh nhân trong hệ sinh thái nghiên cứu và truyền thông chính sách “Chiến lược phát triển Việt Nam” cũng như chủ động nghiên cứu và gửi báo cáo mục tiêu tăng cường ý kiến của cộng đồng vào Đề án “Nghiên cứu phản ứng chính sách ứng phó của một số quốc gia trên thế giới về thuế tối thiểu toàn cầu và bài học kinh nghiệm với Việt Nam” mà Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ.

Thuế suất phổ thông hiện tại ở Việt Nam là 20%. Trên cơ sở ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (gồm thuế suất ưu đãi và thời gian miễn, giảm thuế) với mức thuế suất 0%, 5%, 7,5% hoặc 10%.

Theo cách tính toán thuế suất hiệu quả ETR, mức thuế suất hiệu quả tại Việt Nam của các công ty con thậm chí còn thấp hơn mức thuế ưu đãi nêu trên. Thuế tối thiểu chủ yếu được thực thi thông qua thuế bổ sung ở quốc gia sở tại của các công ty đa quốc gia.

Bà Thy Nga cho rằng Việt Nam nên chủ động tham gia thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu, cụ thể như quyền đánh thuế chính đáng và thêm nguồn thu lớn từ phần thu thuế bổ sung, tranh thủ lợi thế thu thuế sớm so với các nước khác, cơ hội chủ động xây dựng chính sách và cải thiện môi trường và thu hút đầu tư.

[Tìm cách giữ chân ‘đại bàng’ khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng]

Cùng với đó, các nhà đầu tư nước ngoài có thông tin để xác định lộ trình đầu tư cạnh tranh, thể hiện cam kết hội nhập quốc tế và môi trường kinh doanh tiến bộ, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tiếp tục đẩy mạnh phát triển môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn lao động, hệ thống pháp lý, xây dựng đồng bộ chính sách về thuế, hải quan, doanh nghiệp, thương mại, đầu tư để quản lý tốt về thuế, chống chuyển giá.

Đặc biệt, cần sớm nghiên cứu việc thành lập Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, vốn từ thuế bổ sung; triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và có hiệu lực, nhất là các FTA thế hệ mới được ký kết gần đây với các đối tác thương mại lớn như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP… cũng như thúc đẩy và tham gia đàm phán, ký kết các FTA với các đối tác thương mại khác.

Về khuyến nghị chính sách Việt Nam tham gia thuế suất tối thiểu toàn cầu, bà Nga cho biết đơn vị chủ trì xây dựng đề án (Bộ Tài chính) thúc đẩy liên kết với các viện nghiên cứu, Liên hiệp các hội khoa học nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động đầy đủ theo hệ thống khoa học quản trị chính sách, tránh rời rạc manh mún, lãng phí tài nguyên trí tuệ.

Ngoài ra, cần sớm ban hành chủ trương thí điểm việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu; rà soát và có thể duy trì chính sách ưu đãi thuế hợp lý đối với các doanh nghiệp không thuộc đối tượng điều chỉnh; chủ động liên kết với các nước trong khu vực để cùng đàm phán Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, chuyển giá, gian lận thuế và những rủi ro pháp lý khác.

Tiếp đến, cần xây dựng Cổng thông tin về thuế suất và công khai, minh bạch, đồng bộ hóa chính sách thuế và đầu tư nước ngoài, phù hợp trong bối cảnh kinh tế số và cơ sở dữ liệu liên thông; chủ động đối thoại và tham vấn rộng rãi các doanh nghiệp trong nước có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài và các quốc gia có doanh nghiệp thuộc đối tượng phải nộp thuế bổ sung; có lộ trình rõ ràng, phù hợp mục tiêu thu hút FDI và hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chia sẻ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam luôn tạo điều kiện thúc đẩy để các viện thành viên chủ động phát hiện và đề xuất khuyến nghị chính sách liên quan đến những vấn đề có tác động xã hội lớn của đất nước; chủ động thực hiện các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong quá trình xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các chương trình, dự án, đề án lớn về kinh tế-xã hội./.

Theo  vietnamplus.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *