Thuế tối thiểu toàn cầu: Việt Nam không thể đứng ngoài ‘cuộc chơi’

Ngày 21/4, Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo công bố “Kết quả báo cáo đánh giá tác động Thuế tối thiểu toàn cầu và chủ trương, chính sách Việt Nam chủ động tham gia thỏa thuận thuế suất”.

Trên cơ sở chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển đã tiên phong nghiên cứu và công bố Báo cáo độc lập “Đánh giá tác động của thuế tối thiểu toàn cầu trên các quốc gia và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”. ​

Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển đã phát hiện vấn đề và thúc đẩy nghiên cứu, sớm hoàn thành giai đoạn đầu của Báo cáo nghiên cứu và báo cáo khuyến nghị về “Đánh giá tác động của thuế tối thiểu toàn cầu trên các quốc gia và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam” để gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan, chủ động tham gia xây dựng góp ý chính sách kinh tế quốc gia.

Thuế tối thiểu toàn cầu: Việt Nam không thể đứng ngoài 'cuộc chơi'

Chấm dứt “cuộc đua xuống đáy” về thuế

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển cho biết, hiện nay, các quốc gia cạnh tranh mạnh mẽ với nhau trong việc thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư đa quốc gia bằng cách đưa ra nhiều ưu đãi thuế. Điều này đã tạo nên một “cuộc đua xuống đáy” về thuế, khi nhiều quốc gia cắt giảm thuế ngày càng nhiều hơn và tạo nên gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp địa phương. Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% có tác dụng chấm dứt tình trạng này. Từ đó, loại thuế này có thể sẽ làm đảo lộn các tính toán về địa điểm đầu tư và cách thức các công ty toàn cầu hoạt động.

Theo thống kê, hiện có 1.100 doanh nghiệp là công ty con của các Tập đoàn đa quốc gia (MNEs) có doanh thu hơn 750 triệu Euro trên toàn cầu. Hiện thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông tại Việt Nam là 20%, đây là con số cao hơn mức thuế tối thiểu đề xuất. Thế nhưng, Việt Nam đang ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt khi các doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức 5%, 10% lên đến 15 năm; thời gian miễn, giảm thuế có thời hạn.

“Theo tính toán, thuế thực tế với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%. Thuế suất doanh nghiệp thường được coi là một biến trong mô hình FDI đa biến. Trong hầu hết các trường hợp, tác động của việc giảm phần trăm thuế doanh nghiệp được dự đoán sẽ dẫn đến mức tăng FDI ước tính. Các động lực FDI quan trọng khác như quy mô thị trường, nhân công, sự ổn định, môi trường kinh doanh… đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy các quyết định giúp các nước duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững”, bà Nga nêu rõ.

Theo bà Nga, hiện tại không có bằng chứng thực nghiệm nào cho thấy ưu đãi thuế làm tăng vốn FDI tại ASEAN, thậm chí thực tế còn ngược lại. Hầu hết các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện tại ở ASEAN không nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư dài hạn, mà thay vào đó được sử dụng để khỏa lấp cho những yếu kém trong năng lực quản trị và cơ sở hạ tầng và đáp ứng mong muốn ngắn hạn của các nhà đầu tư. “Ưu đãi thuế thậm chí đã tạo ra môi trường đầu tư không công bằng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Nga khẳng định.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã, đang ủng hộ, và cam kết thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu theo đúng lộ trình để áp dụng từ 1/1/2024. Các chuyên gia, các nhà khoa học tại hội thảo đồng quan điểm cho rằng, Việt Nam không thể đứng ngoài mà cần nhanh chóng nghiên cứu, triển khai sớm thuế tối thiểu nội địa (QMT) để không đánh mất quyền thu thuế bổ sung, góp phần tăng thu cho ngân sách, đồng thời giữ được sự cạnh tranh trong môi trường đầu tư.

Ngược lại, Việt Nam không tham gia thuế tối thiểu toàn cầu, toàn bộ số thu chênh lệch sẽ chuyển về các quốc gia có công ty mẹ. Theo Bộ Tài chính, hiện có ít nhất 70/1.015 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có khả năng chịu ảnh hưởng của loại thuế này. Nếu các quốc gia có công ty mẹ cùng thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, họ sẽ thu thêm phần thuế chênh lệch hơn 12.000 tỷ đồng của năm 2024.

Sớm xây dựng chính sách để thích ứng

Thuế tối thiểu toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hay còn được gọi là Trụ cột II quy định về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu, theo đó, doanh nghiệp có vốn FDI sẽ phải chịu thuế thu nhập ít nhất là 15%

Để bảo vệ nguồn thu và thúc đẩy thu hút đầu tư tại Việt Nam, Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển khuyến nghị cần đẩy nhanh truyền thông chính sách, thúc đẩy nghiên cứu xây dựng chính sách ứng phó với tác động của Trụ cột II trong ngắn hạn và dài hạn.

Cụ thể, xây dựng đề án về Thuế tối thiểu toàn cầu trong quý II/2023 trình Thủ tướng Chính phủ; có thể bắt đầu thí điểm từ tháng 11/2023 và mở rộng hơn với tháng 12/2023 và thông báo chính thức chủ trương vào 1/1/2024 khi thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực. Trong dài hạn, xem xét cải cách hệ thống thuế và các ưu đãi thuế nhằm hạn chế tác động tiêu cực của Trụ cột II, đảm bảo thu hút đầu tư thực chất, hạn chế các hoạt động làm xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận.

Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống ưu đãi thuế trên cơ sở lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Trụ cột II nhằm hỗ trợ và bảo vệ các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam; tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp FDI bổ sung thuế tại Việt Nam, nâng cao năng lực dự báo và phòng ngừa các khủng hoảng chính sách có thể xuất hiện khi thay đổi về thuế. Liên kết cộng đồng doanh nghiệp đa quốc gia tại Việt Nam để giải đáp thắc mắc, hỗ trợ chính sách cho các doanh nghiệp thuộc diện nộp thuế bổ sung…

Samsung chuẩn bị rót hàng tỷ USD, Việt Nam hứa hẹn là 'bến đỗ' mới của ngành công nghiệp bán dẫn

Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ khiến Việt Nam chuyển đổi trạng thái ưu đãi đầu tư trong thế chủ động để vừa giữ chân “đại bàng”, vừa hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước phát triển. (Nguồn: VnEconomy)

Đối với các doanh nghiệp trong nước có đầu tư nước ngoài hoặc các chi nhánh của các tập đoàn tại Việt Nam, Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển khuyến nghị chủ động cùng với công ty mẹ đánh giá tác động của Trụ cột II đối với hoạt động của doanh nghiệp trong ngắn và dài hạn, tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình Việt Nam xây dựng, điều chỉnh để nội luật phù hợp định hướng phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và hài hòa với các đối tác.

Báo cáo cũng khuyến nghị tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về thuế tối thiểu toàn cầu nên đẩy nhanh đánh giá tác động và nghiên cứu; xây dựng khung pháp lý nội luật liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được thực thi hiệu quả… Đồng thời, đẩy mạnh việc phát triển năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn lao động, hệ thống pháp lý… – những yếu tố giúp nâng cao xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển cũng phối hợp cùng Đề án Từ chính sách ra Cuộc sống khuyến nghị thiết kế bản kiến trúc tổng thể về quá trình truyền thông chính sách phát triển nội luật thuế tối thiểu toàn cầu của Bộ Tài chính đang xây dựng, thúc đẩy nguồn lực tư nhân tham gia góp ý truyền thông chính sách, đảm bảo quyền lợi và vị thế quốc gia, hài hòa với các đối tác quốc tế, đạt được mục tiêu thu hút vốn FDI và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước của Chính phủ.

Theo báo  quốc tế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *