Thực thi thuế tối thiểu toàn cầu: Làm sao giữ chân “đại bàng”?

Mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đang có xu hướng làm xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư và cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia.

Yêu cầu đặt ra là phải ứng phó hiệu quả với các tác động tiêu cực, bảo đảm sức cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, qua đó giữ chân và thu hút các “đại bàng” về Việt Nam.

Xáo trộn kế hoạch đầu tư của “đại bàng”

Thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2024. Đối với Việt Nam, việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm ảnh hưởng sức cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong ngắn hạn, bởi chính sách ưu đãi thuế không còn tác dụng. Các công ty đa quốc gia lớn đầu tư vào Việt Nam có thể sẽ phải nộp “thuế bổ sung” tại quốc gia nơi đặt trụ sở chính hoặc tại Việt Nam nếu đang được hưởng mức thuế suất hữu dụng thực tế tại Việt Nam thấp hơn 15%.

Ngoài ra, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể làm phát sinh một số bất đồng, tranh chấp với một số đối tác, từ đó phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, khi áp dụng có thể làm phát sinh một số chi phí cải cách hệ thống quản lý thuế, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư và tiến độ triển khai phụ thuộc vào năng lực quản lý của các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Các động lực FDI quan trọng khác như quy mô thị trường, nhân công, sự ổn định, môi trường kinh doanh… đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy các quyết định giúp các nước duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Vì vậy, chiến lược thu hút FDI của Việt Nam cũng cần thay đổi khi toàn cầu áp dụng thuế suất tối thiểu.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, dẫn đầu là Singapore với hơn 2,53 tỷ USD, chiếm hơn 23,3% tổng vốn đầu tư, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 50 tỉnh, TP trên cả nước. Tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư, điều đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam vừa đưa ra các quyết định đầu tư mới.

Dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới, song tổng vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 5 tháng. Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, TP có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang…

Mặt khác, mức thuế suất tối thiểu toàn cầu không chỉ ảnh hưởng đối với những doanh nghiệp chịu tác động mà còn đặt ra những yêu cầu mới đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và đòi hỏi chính sách thu hút đầu tư cần thích ứng nhanh chóng, kịp thời, chủ động xây dựng chủ trương chiến lược mới trong bối cảnh thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Chủ động xây dựng chiến lược thu hút mới

Việt Nam nên cân nhắc cải cách hệ thống ưu đãi thuế để phù hợp hơn trong tình hình mới, song song với việc tham khảo, lấy ý kiến tư vấn Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, cũng như các chính sách đang được thực hiện bởi các quốc gia khác.

Chính phủ có thể điều chỉnh chính sách thuế hiện tại để đưa ra cơ chế ưu đãi phù hợp cho các doanh nghiệp đa quốc gia chịu ảnh hưởng của Thuế tối thiểu toàn cầu, nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp này khi đầu tư tại Việt Nam, đồng thời cũng dung hòa với quyền lợi của Việt Nam trong việc giành quyền đánh Thuế tối thiểu toàn cầu.

Cùng với đó, nên tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh việc phát triển các yếu tố thu hút đầu tư khác ngoài công cụ ưu đãi thuế, như: cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn lao động, hệ thống pháp lý… (những yếu tố giúp nâng cao xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam).

Mặt khác cũng cần cân nhắc việc triển khai có hiệu quả 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và có hiệu lực, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, được ký kết gần đây với các đối tác thương mại lớn như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP… Đồng thời thúc đẩy và tham gia đàm phán, ký kết các FTA với Mỹ và các đối tác thương mại khác.

Bình Dương được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút FDI. Tính đến ngày 31/5/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trên toàn tỉnh đạt 914,5 triệu USD, đạt 50,8% chỉ tiêu đề ra trong năm 2023.

Đây cũng là địa phương tiên phong khảo sát đồng bộ và đồng hành cùng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về Thuế suất tối thiểu toàn cầu do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng tổ công tác. Viện Quản trị chính sách xây dựng chiến lược, tư vấn thiết kế chương trình nghiên cứu khảo sát các chính sách dựa trên dữ liệu địa phương và bối cảnh hiệp định thương mại và thuế suất toàn cầu. Hoạt động phối hợp hướng đến nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Theo kinhtedothi.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *