Khuyến nghị Chủ trương, chính sách của Việt Nam chủ động tham gia Thuế suất tối thiểu toàn cầu

Thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ ngày 1/1/2024 và Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nội luật, thể hiện quan điểm ủng hộ thỏa thuận và cam kết thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo công bố kết quả báo cáo đánh giá tác động và khuyến nghị chủ trương, chính sách Việt Nam chủ động tham gia thuế tối thiểu toàn cầu do Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển tổ chức sáng ngày 21/4.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thy Nga – Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển cho biết, mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đang có xu hướng xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư và cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia và chiến lược thu hút FDI của các nước sẽ thay đổi khi toàn cầu áp dụng thuế suất tối thiểu. Đưa ra mức thuế tối thiểu toàn cầu, một trạng thái cân bằng chính sách mới xuất hiện, tất cả các quốc gia đều đặt mức thuế suất tối ưu ở mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15%. Xu hướng toàn cầu này không chỉ đặt ra những yêu cầu mới đối với cộng đồng doanh nghiệp, mà còn đòi hỏi phải có những thích ứng nhanh chóng, kịp thời từ phía các cơ quan chức năng.

Hiện thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam là 20%, cao hơn mức thuế tối thiểu đề xuất. Tuy nhiên, chúng ta đang dành nhiều mức thuế ưu đãi các dự án nhà đầu tư nước ngoài như: Ưu đãi thuế suất 5%, 10% lên đến 15 năm; miễn, giảm thuế có thời hạn… Theo tính toán, thuế thực tế với các DN đầu tư nước ngoài trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%. Thuế suất doanh nghiệp thường được coi là một biến trong mô hình FDI đa biến. Trong hầu hết các trường hợp, tác động của việc giảm phần trăm thuế doanh nghiệp được dự đoán sẽ dẫn đến mức tăng FDI ước tính. Các động lực FDI quan trọng khác như quy mô thị trường, nhân công, sự ổn định, môi trường kinh doanh… đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy các quyết định giúp các nước duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho đến năm 2022, Việt Nam đã thu hút FDI từ 141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các đối tác FDI lớn nhất của Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Trong nhiều năm qua, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản luôn dẫn đầu danh sách các nguồn FDI vào Việt Nam. Lũy kế đến ngày 20/12/2022, tổng vốn đầu tư đăng ký của ba nước này chiếm tới 50,3% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam.

Thuế suất phổ thông hiện tại Việt Nam là 20%, nhưng hiện nay theo thống kê có rất nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có các dự án đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư và một số doanh nghiệp có dự án đầu tư lớn còn được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt, theo đó các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (gồm thuế suất ưu đãi và thời gian miễn, giảm thuế) với mức thuế suất 0%, 5%, 7.5% hoặc 10%.

Tại Hội thảo, Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển đã đưa ra một số khuyến nghị như sau:

Thứ nhất, Việt Nam cần tiến hành đẩy nhanh truyền thông chính sách, thúc đẩy nghiên cứu lấy ý kiến rộng mở đến cộng đồng khoa học và doanh nhân về thực tế của Trụ cột II, trong bối cảnh mỗi ngày lại có thêm nhiều quốc gia ban hành chính sách và áp dụng sớm chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu.

Thứ hai, đối với việc hỗ trợ các doanh nghiệp đa quốc gia bị ảnh hưởng bởi Trụ cột II, Việt Nam nên chủ động lấy ý kiến và mời góp ý xây dựng hệ thống ưu đãi thuế để phù hợp hơn trong bối cảnh triển khai thuế suất, nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp này khi đầu tư tại Việt Nam để khuyến khích đầu tư, mở rộng đầu tư, đồng thời cũng dung hòa với quyền lợi của Việt Nam trong việc giành quyền đánh thuế trong bối cảnh GMT.

Thứ ba, Việt Nam nên tiếp tục nghiên cứu, tham khảo, lấy ý kiến tư vấn OECD, cũng như liên kết khối asaan và đồng hành lộ xây trình xây dựng chính sách đang được thực hiện bởi các quốc gia đang phát triển khác, tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp FDI bổ sung thuế tại VIệt Nam, nâng cao năng lực dự báo và phòng ngừa các khủng hoảng chính sách có thể xuất hiện khi thay đổi về thuế.

Thứ tư, đẩy mạnh việc phát triển năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn lao động, hệ thống pháp lý… (những yếu tố giúp nâng cao xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam).

Thứ năm, liên kết cộng đồng doanh nghiệp đa quốc gia tại Việt Nam và sẽ đầu tư tại Việt Nam có khung thông tin chung để hỗ trợ theo dõi sát sao quá trình phát triển các quy định của Trụ cột II trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, đặc biệt là các chính sách của Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh Trụ cột II và giải đáp thắc mắc, hỗ trợ chính sách cho các doanh nghiệp thuộc diện nộp thuế bổ sung.

Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển cũng khuyến nghị, Việt Nam cần xây dựng chủ trương, chính sách để chủ động tham gia Thuế suất tối thiểu toàn cầu, đồng thời cần nâng cao nhận thức và kiến thức về hệ thống chính sách và quy trình hoạch định chính sách Thuế suất tối thiểu toàn cầu, từ đó đẩy mạnh công tác thực thi chính sách, tổng hợp góp ý, khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ quá trình dự thảo chính sách, xử lý khủng hoảng chính sách.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *