Thông tin tại hội thảo, bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển cho biết, đến nay có hơn 40 nước tuyên bố thực hiện vào khoảng cuối năm 2023, đầu năm 2024 hoặc năm 2025. Trong đó bao gồm các quốc gia có nhà đầu tư chính tại Việt Nam như: Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản; các nước thuộc EU, Anh, UEA; các quốc gia đối thủ cạnh tranh thu hút đầu tư của Việt Nam như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia; các thiên đường thuế như: Ireland, Thụy sĩ, Hồng Kông…
Theo bà Nga, trụ cột 2 tác động đến vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên nhiều phương diện như thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển công nghiệp quốc gia, xuất khẩu, dự trữ ngoại hối. Mặt khác, các nền kinh tế đang phát triển và kém phát triển có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thu thuế toàn cầu.
Tại Việt Nam, theo rà soát của Bộ Tài Chính, hiện có hơn 1.000 DN FDI có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng trụ cột 2. Đến ngày 15/3/2023, thống kê cho thấy 72 DN chịu ảnh hưởng nếu trụ cột 2 được áp dụng từ năm 2024. Theo đó, nếu các quốc gia khác đều áp dụng trụ cột 2 bắt đầu từ tháng 1/2024, các quốc gia có công ty mẹ đầu tư vào Việt Nam sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng 12.040 tỷ đồng.
Bà Nga cho rằng, quyền đánh thuế là chính đáng và thêm nguồn thu lớn từ phần thu thuế bổ sung. Do vậy, Việt Nam cần tranh thủ lợi thế thu thuế sớm so với các nước khác thông qua việc rà soát và có thể duy trì chính sách ưu đãi thuế hợp lý đối với các DN không thuộc đối tượng điều chỉnh. Chủ động liên kết các nước trong khu vực để cùng đàm phán hiệp định tránh đánh thuế hai lần, chống chuyển giá, gian lận thuế và những rủi ro pháp lý khác…
Trong dài hạn, hệ thống thuế cùng với các ưu đãi thuế cũng cần được xem xét cải cách nhằm hạn chế tác động tiêu cực của trụ cột II, đảm bảo thu hút đầu tư thực chất, hạn chế các hoạt động làm xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận. Tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn lao động, hệ thống pháp lý…Việt Nam cũng cần cân nhắc việc triển khai có hiệu quả 15 hiệp định thương mại tự do đã ký kết và có hiệu lực, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, đồng thời thúc đẩy và tham gia đàm phán, ký kết các FTA với các đối tác thương mại khác.
Bà Nga cũng khẳng định, song song với chính sách chủ động ứng phó, thúc đẩy cơ chế thí điểm, Việt Nam nên tiếp tục nghiên cứu, tham khảo OECD, cũng như liên kết khối Asean… Đối với các DN trong nước có đầu tư nước ngoài, hoặc các chi nhánh của các tập đoàn tại Việt Nam cũng nên chủ động cùng với công ty mẹ đánh giá tác động của trụ cột II đối với tình hình hoạt động kinh doanh cũng như cấu trúc của DN trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Tham gia đóng góp ý kiến từ góc độ DN cho Chính phủ Việt Nam trong quá trình xây dựng, điều chỉnh nội luật.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn lao động, hệ thống pháp lý. Xây dựng đồng bộ chính sách về thuế, hải quan, DN, thương mại, đầu tư để quản lý tốt về thuế, chống chuyển giá. Việt Nam cũng cần triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và có hiệu lực, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, được ký kết gần đây với các đối tác thương mại lớn như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP… thúc đẩy và tham gia đàm phán, ký kết các FTA với các đối tác thương mại khác.
“Việt Nam cần đẩy nhanh truyền thông chính sách, thúc đẩy nghiên cứu lấy ý kiến về thực tế của trụ cột II, trong bối cảnh mỗi ngày lại có thêm nhiều quốc gia ban hành chính sách và áp dụng sớm chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu”, bà Nga nhấn mạnh.
Tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo, GS, Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn chính sách tiền tệ của Chính phủ cho biết, chỉ còn 7 tháng nữa, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được triển khai ở một số nước, do vậy Việt Nam cần phải chủ động để thực thi chính sách này vì đây là “cuộc chơi” toàn cầu. Theo GS, Trần Thọ Đạt, có 3 phương án cho Việt Nam lựa chọn. Thứ nhất: giữ nguyên mức thuế hiện tại và không thay đổi gì, tuy nhiên, nếu không áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu thì các “nước mẹ” sẽ thu phần chênh lệch còn lại. Với trên 70 tập đoàn đa quốc gia ở Việt Namm, thì số tiền thuế này sẽ vào khoảng từ 12.000-20.000 tỷ đồng. Cách thứ hai: Việt Nam cần giành quyền chủ động áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để lấy lại số thuế đó bằng cách áp dụng chính sách này từ ngày 1/1/2024.
Thứ ba: thực hiện nội địa hoá thuế suất tối thiểu bổ sung đạt chuẩn. Theo đó, Việt Nam cần xây dựng phương án nâng mức thuế thu nhập doanh nghiệp bình quân lên dần dần để đạt mức 15%. GS, Trần Thọ Đạt cho rằng, theo các phân tích hiện nay thì đây sẽ là phương án này sẽ có nhiều lợi thế hơn đối với Việt Nam trong thời điểm này.
Theo chienluocquocgia.vn