NVIDIA đầu tư thành lập một thực thể NVIDIA tại Việt Nam, một AI FACTORY, có ý nghĩa rất lớn thúc đẩy kinh tế, là cú hích giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đón đầu xu hướng phát triển công nghệ thế giới. CEO NVIDIA Jensen Huang cho rằng: ‘Việt Nam là quốc gia duy nhất có thể tham gia đầy đủ các công đoạn của chuỗi bán dẫn’
Việt Nam đang thiếu gì để có thể bước vào và nổi bật trong sân chơi công nghiệp bán dẫn? Các Quốc gia nào là đối thủ của Việt Nam trong thu hút hút đầu tư công nghiệp bán dẫn? Chiến lược phát triển phù hợp cho Việt Nam trong Kỉ nguyên AI.
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga
Câu chuyện phía sau của việc kết nối NVIDIA về Việt Nam, điều gì ấn tượng nhất ông có thể chia sẻ cho những đơn vị đang mong muốn nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo và đang tìm kiếm cơ hội có thể hợp tác trực tiếp với những đối tác mà ông đã và đang liên kết cho Việt Nam.
Tổng lãnh sự Hoàng Anh Tuấn
Nhìn lại thời gian mấy tháng vừa qua chúng ta thấy các sự kiện diễn biến rất nhanh. Khi Thủ tướng Phạm Minh Chính sang Mỹ, Thủ tướng đã đến trụ sở của NVIDIA, mời ông chủ tịch Nvidia Jensen Huang đến Việt Nam, sau đấy trong vòng ba tháng, chúng tôi tiếp tục kết nối và đưa chủ tịch Nvidia Jensen Huang về Việt Nam, thu xếp cho đoàn làm việc với các Lãnh đạo và các cơ quan chính phủ, với doanh nghiệp, và người dân. Ông Jensen Huang đã có cơ hội nhìn rõ hơn về tiềm năng của người Việt Nam, tiềm năng của các công ty Việt Nam, về quyết tâm của lãnh đạo chính phủ, các bộ ngành, trong việc thúc đẩy sự phát triển của người Việt Nam dựa trên công nghệ, dựa trên trí tuệ nhân tạo. Ông Chủ tịch Jensen Huang cũng tận mắt thấy được sự khao khát vươn lên của người Việt chúng ta. Tại Việt Nam ông Jensen Huang tuyên bố muốn biến Việt Nam thành ngôi nhà thứ hai của NVIDIA. Tuyên bố đó không chỉ là câu chuyện với các lãnh đạo Việt Nam mà là tuyên bố tuyên bố, là cam kết trước truyền thông và các đối tác toàn cầu của NVIDIA.
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga
Trong chuyến công tác vừa qua, khi ông thúc đẩy hành trình ký kết thỏa thuận hợp tác giữa NVIDIA và FPT cũng như ông đã là đầu mối kết nối những đoàn khảo sát của NVIDIA đến các tỉnh thành địa phương để đầu tư cho Việt Nam. Ông cảm nhận như thế nào về Việt Nam ở giai đoạn hiện tại, Việt Nam với chiến lược phát triển như hiện nay, với định hướng của chính phủ thì các doanh nghiệp, các cộng đồng có sẵn sàng đón nhận, bắt kịp những xu hướng mà chúng ta đang chờ đón hay không?
Tổng lãnh sự Hoàng Anh Tuấn
Tôi thấy nhìn vào Việt Nam chúng ta có thế mạnh nhất định, không chỉ NVIDIA quan tâm đển Việc Nam, mà hàng loạt các công ty công nghệ hàng đầu thế giới đều quan tâm đến Việt Nam, thế hiện qua hàng loạt chuyến thăm của các CEO và các chủ tịch các công ty công nghệ lớn đến Việt Nam, tại sao họ đến Việt Nam nhiều như thế?
Tôi thấy câu chuyện giữa Việt Nam và Mỹ nâng cấp từ đối tác toàn diện lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là một cú hích quan trọng, nhưng đằng sau đó là việc họ nhìn thấy cái tiềm năng thật sự của chúng ta, và chúng ta có khả nhiều cái thế mạnh. Tôi tạm điểm qua các thế mạnh đó như sau.
Thứ nhất, đó là quy mô dân số. Dân số Việt Nam hiện có 100 triệu người, một thị trường lớn đang phát triển nhanh và độ tuổi dân số nước ta hiện là “độ tuổi Vàng”.
Thứ hai, chúng ta có nền tảng khoa học cơ bản mạnh. Trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam là nước có nhiều bài báo đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu trên thế giới. Ngoài ra, Việt Nam có hệ thống trường chuyên về khoa học tự nhiên mở rộng đến cấp huyện, có nhiều trung tâm viện nghiên cứu toán, lý mạnh hàng đầu trong khu vực. Tiềm năng thì chúng ta có, nhưng muốn biến những tiềm năng này thành hiện thực thì chúng ta cần có những con sếu đầu đàn, cần phải có thủ lĩnh, cần những người biết cách “nhấn nút”, khai phá tiềm năng của chúng ta, biến tiềm năng ấy thành hiện thực.
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga
Có nhiều câu hỏi đặt ra về việc Việt Nam đã hợp tác như thế nào với các đối tác quốc tế. Khi Việt Nam vẫn được biết đến là Quốc gia gia công trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cả các hợp tác thuộc lĩnh vực công nghệ, phần mềm. Vậy trong bức tranh AI liệu chúng ta có thể làm chủ được công nghệ, không chỉ là hợp tác gia công như trước đây đã có?
Tổng lãnh sự Hoàng Anh Tuấn
Trong cuộc đua phát triển công nghệ trên thế giới trong hơn 50 năm qua, Việt Nam thường đi sau các nước khoảng từ 10 – 15 năm. Ví dụ như cuộc cách mạng PC (tức máy tính tính để bàn), chúng ta cũng đi sau các nước khoảng 20 năm. Trong cuộc cách mạng internet, thiết bị di động cầm tay, chất bán dẫn… chúng ta cũng đi sau nhiều so với thế giới.
Tuy nhiên, kỷ nguyên AI lại khác hẳn. Chúng ta bước vào cuộc đua AI khi cuộc đua này trên phạm vi toàn cầu vừa mới khởi động. Các nước trên thế giới tùy có nhanh chậm đôi chút nhưng nhìn chung đều ở trên cùng một mặt bằng, cùng ở vạch xuất phát. Nếu chúng ta tiến hành khởi động ngay và có bước đi đúng hướng, chúng ta sẽ nhanh chóng bắt nhịp cùng thế giới, biến nước ta từ quốc gia công nghệ nói chúng thành quốc gia khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo.
Theo góc nhìn của tôi, thủ trưởng một cơ quan nằm ở trung tâm công nghệ là Thung lũng Silicon Valley, tôi cảm nhận rằng trí tuệ nhân tạo sẽ là tương lai của thế giới. Ai làm chủ được công nghệ AI, đầu tư đúng hướng, có chính sách đúng đắn phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo thì anh đó sẽ có thể rút ngắn thời gian từ 4 – 5 năm, thúc đẩy sự phát triển của quốc gia mình.
VIỆT NAM THIẾU GÌ ĐỂ TRỞ THÀNH ĐIỂM SÁNG TRONG CUỘC ĐUA TOÀN CẦU?
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, một trong các giải pháp được nhấn mạnh là thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen…
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga
Về Chiến lược Quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện được tầm nhìn và xu hướng thời đại. Về nguồn lực, chúng ta cũng đã có những doanh nghiệp trong nước sẵn sàng đầu tư để đón đầu công nghệ… Khi Quốc gia chúng ta phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp và doanh nghiệp công nghệ số, liệu có đang thiếu một thế hệ doanh nhân trẻ dám nghĩ lớn, dám khát vọng? Thưa ông, tôi cần một câu trả lời ngắn gọn nhất. Việt Nam thiếu 3 yếu tố gì, để trong một thời gian ngắn của giai đoạn đón đầu xu hướng, chúng ta có thể biến tầm nhìn, biến dự định thành hiện thực, Việt Nam có thể làm chủ công nghệ trong kỷ nguyên AI.
Tổng lãnh sự Hoàng Anh Tuấn
Thiếu thì thiếu rất nhiều, nhưng tôi nghĩ có ba vấn đề quan trọng mà Việt Nam cần phải tập trung đầu tư ngay từ lúc này.
Yếu tố đầu tiên là khả năng tính toán, trong tiếng anh là computing power. Tức là phải có máy tính, mà hệ thống máy tính ở đây chính là hệ thống siêu máy tính, tạo ra nền tảng AI và tôi nghĩ đấy là cái thiếu quan trọng nhất. Công ty NVIDIA sở dĩ trở thành công ty hàng đầu thế giới, bởi vì họ sở hữu 4/6 hệ thống siêu máy tính mạnh nhất thế giới. Câu chuyện đầu tư này không chỉ là câu chuyện đầu tư ban đầu, mua một hệ thống siêu máy tính là xong, mà cần phải đầu tư liên tục và lâu dài để duy trì năng lực tính toán quốc gia.
Yếu tố thứ hai là về con người, con người ở đây chính là đội ngũ chuyên gia làm về AI, chuyên viết phát triển phần mềm, biết cách sử dụng trí tuệ nhân tạo để không bị dẫn dắt bởi trí tuệ nhân tạo mà chúng ta phải làm chủ “cuộc chơi” AI.
Yếu tố thứ ba là “xóa mù” về AI, tức tăng cường giáo dục để nâng cao sự hiểu biết và nhận thức về trí tuệ nhân tạo ở tất cả các cấp. Muốn trí tuệ nhân tạo đi vào cuộc sống thì từ lãnh đạo cấp cao quốc gia, lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các tập đoàn lớn, các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu phải hiểu rõ và đi đâu trong việc ứng dụng AI. Đây sẽ là những người đi tiên phong trong lĩnh vực AI, thúc đẩy để biến Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp về AI. Với sức ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo như vậy, nếu không đủ hiểu biết thì làm sao chúng ta có thể dẫn dắt được người dân bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên AI.
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga
Với yếu tố như ông nói về mô hình quản trị, về tăng nhận thức toàn dân đến các khối cấp lãnh đạo từ trên xuống dưới liên quan đến quản trị về công nghệ AI. Tôi nghĩ đó cũng là cách thức mà chúng ta đã làm tương tự đối với quản trị chuyển đổi số, đối với đổi mới sáng tạo, đối với khởi nghiệp, vân vân. Trong quá trình tiếp cận quản trị chính sách đối với chủ thể khác nhau. Ví dụ như đối tượng liên quan đến quản lý nhà nước, đối tượng liên quan đến các thành tố khoa học, các thành tố liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp. Mỗi thành tố có một cách tiếp cận khác nhau, làm sao chúng ta có thể thống nhất từ tầm nhìn cho đến hiện thực, từ chính sách cho đến cuộc sống. Làm sao để liên kết từ các khối cơ quan đưa ra những hoạch định chính sách, đến các khối điều hành, sau đó là các nhà khoa học nghiên cứu và các doanh nghiệp có thể ứng dụng khoa học như thế nào? Đào tạo nguồn nhân lực ra sao? Vậy làm sao chúng ta có thể liên kết như thế nào giữa các thành tố? Làm sao để tất cả các thành tố có thể giao tiếp với nhau cùng một ngôn ngữ, và để quá trình liên kết thúc đẩy AI diễn ra nhanh hơn?
Tổng lãnh sự Hoàng Anh Tuấn
Có nhiều cách làm, theo kinh nghiệm quốc tế của tôi thì đầu tiên chính là thông tin tuyên truyền.
Để cho mọi người biết rằng AI đang đóng vai trò quan trọng như thế nào, đó là đưa các ứng dụng thực tế về AI, các câu chuyện thành công về sử dụng AI trong các lĩnh vực từ giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, quản lý doanh nghiệp, quản lý thành phố thông minh… để tạo tác động lan tỏa. Cần phải thấy rằng xu hướng phát triển sắp tới của thế giới là xu hướng phát triển dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo. Khi đã trở thành xu hướng toàn cầu thì ta không thể không theo vì nếu chậm chân sẽ bị lỗi nhịp phát triển. Câu chuyện ở đây không còn là việc có tham gia hay không tham gia vào tiến trình phát triển AI, mà là nên bắt đầu và tiến hành như thế nào. Nếu tham gia sớm và chủ động thì cơ hội đến với chúng ta sẽ nhiều và lớn hơn. Đặc biệt trong giai đọan hiện nay, Việt Nam là quốc gia mở, một quốc gia hội nhập sâu và rộng ở phạm vi khu vực và thế giới nên khó có thể đứng ngoài xu hướng phát triển lớn trên thế giới như vậy. Cần thấy rằng trí tuệ không phải là công nghệ bình thường, mà là liên quan đến sức mạnh kinh tế quốc gia, an ninh quốc gia, quốc phòng và vị thế của quốc gia.
Do đó, tôi thấy cần có thông tin tuyên truyền rộng rãi, đặc biệt các lợi ích của AI trong ứng dụng thực tế, để người dân thấy được trí tuệ nhân tạo không còn là cái gì đó viển vông nữa mà trên thế giới người ta đã làm rồi, các quốc gia khác và chính mình cũng đã và đang áp dụng rồi.
Điểm nữa quan trọng là chiến lược quốc gia về phát triển và ứng dụng AI. Chúng ta đã có chiến lược về phát triển về AI giai đoạn 2020 – 2030, được Thủ tướng ký và ban hành năm 2021. Nhưng chúng ta cũng thấy rằng trí tuệ nhân tạo đang phát triển rất nhanh về mặt công nghệ, về mặt tiếp cận, về mặt ứng dụng cho nên chúng ta cần bám sát và cập nhật theo xu hướng phát triển về trí tuệ nhân tạo thông qua cải tiến chính sách định kỳ.