Cơ sở nghiên cứu 

–  Theo Nghị quyết 01/NQ-CP Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, và trên cơ sở chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, yêu cầu “sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế”, Chuyên gia Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách, Liên hiệp các Hội Khoa học và công nghệ Việt Nam đã tiên phong nghiên cứu “Báo cáo Đánh giá tác động thuế suất tối thiểu toàn cầu trên các quốc gia và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”.

Lộ trình nghiên cứu và giá trị báo cáo tiên phong 

Sáng kiến của OECD được thông qua vào tháng 10-2021. Giữa năm 2022, thuế tối thiểu toàn cầu được nêu ra bàn thảo ở nước ta. Tới tháng 8-2022, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu được thành lập; nhưng phải tám tháng sau, tức là giữa tháng 4-2023, quy chế tổ chức và hoạt động của tổ công tác này mới được ban hành. Xen giữa khoảng thời gian này, chỉ rải rác có một vài cuộc họp bàn chính thức về thuế tối thiểu toàn cầu.

Trước đó, vào thời gian cuối tháng 2 và đầu tháng 3, Báo cáo Thuế suất tối thiểu toàn cầu do Chuyên gia Nguyễn Thy Nga chủ động nghiên cứu và gửi báo cáo nghiên cứu đến Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và các đại diện liên quan thúc đẩy phản ứng chính sách từ Chính phủ và Quốc hội. Trong tháng 3, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài Chính chủ trì xây dựng đề án về thuế suất, và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài Chính có báo cáo vào 31.3.2023. Trong 3 tuần vừa qua, nhiều hội thảo về vấn đề này được liên tục tổ chức. Bộ Tài Chính mời chuyên gia Nguyễn Thy Nga có báo cáo chính về khuyến nghị Chính sách cho Việt Nam chủ động tham gia thuế suất tối thiểu toàn cầu”.

Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển đang phát triển giai đoạn 3 của nghiên cứu, tiếp tục đồng hành với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về thuế suất tối thiểu toàn cầu và các cơ quan của Quốc hội trong quá trình xây dựng nội luật. Thúc đẩy nghiên cứu và tác động chính sách vĩ mô, phát hiện vấn đề quan trọng cần xây dựng các chủ trương chính sách lớn của đất nước trong đó có thuế suất tối thiểu toàn cầu là nhiệm vụ mục tiêu của Viện Quản trị Chính sách, tăng cường ứng dụng công nghệ và phát triển cơ sở dữ liệu nghiên cứu, thể hiện vai trò của cộng đồng tri thức và các nhà khoa học trẻ trong Khoa học Chính sách Việt Nam.

Thuế suất tối thiểu toàn cầu

Chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu được yêu cầu áp dụng ngay từ ngày 1/1/2024. Mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đang có xu hướng xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư và cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia và chiến lược thu hút FDI của các nước sẽ thay đổi khi toàn cầu áp dụng thuế suất tối thiểu. Xu hướng toàn cầu này không chỉ đặt ra những yêu cầu mới đối với cộng đồng doanh nghiệp, mà còn đòi hỏi phải có những thích ứng nhanh chóng, kịp thời, chủ động xây dựng chủ trương chính sách ứng phó cho Việt Nam từ phía các cơ quan chức năng, có lộ trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuế suất tối thiểu toàn cầu và truyền thông chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu đến cộng đồng, nhất là với khối doanh nghiệp Việt Nam nhận đầu tư và số ít doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư ở nước ngoài.

Phản ứng Chính sách của Việt Nam

– Điều 4 Quyết định số 55/QĐ-TTg ngày 04/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD.

– Quyết định số 308/QĐ-TTg, ngày 28/03/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 trong đó giao Bộ tài chính chủ trì nghiên cứu đề án chính sách về thuế suất tối thiểu toàn cầu và khuyến nghị cho Việt Nam.

– Thông báo số 120/TB-VPCP về ‘’Kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về thuế suất tối thiểu toàn cầu, tác động và ảnh hưởng đối với Việt Nam’’. Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính làm rõ 5 vấn đề đối với thuế tối thiểu toàn cầu.

– Quyết định số 22/QĐ-TCTĐB ngày 14/4/2023 của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuát các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD: Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD.

– Hiện nay, chỉ còn bảy tháng, ngay lập tức, Việt Nam cần liên kết các chương trình đối thoại đơn phương và song phương, thể hiện vai trò kết nối các nước trong khối Asean tạo môi trường kinh doanh trong khối. Việt Nam cần sớm đưa ra các kịch bản tham gia thuế suất và ngay lập tức chủ động liên kết đối thoại với 90 doanh nghiệp này để đưa ra các chính sách ưu đãi phù hợp để tạo sự đồng thuận và tránh những rủi ro bị kiện về pháp lý do thay đổi chính sách, không còn đúng thoả thuận thu hút đầu tư ban đầu, nhanh chóng thúc đẩy nội luật thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Chuyên gia Chính sách & Đổi mới Sáng tạo Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Viện trưởng Nguyễn Thy Nga

Trên cơ sở bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể. Và để hỗ trợ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt với các ngành nghề, lĩnh vực quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài, định hướng chiến lược phát triển Việt Nam trong đó có trọng tâm của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, nghiên cứu giải quyết các vấn đề trước mắt, đồng thời tính tới các vấn đề bền vững lâu dài, gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với việc đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tầm nhìn Quốc gia, xu thế toàn cầu. 

Cần ngay lập tức các kịch bản đối thoại

Thuế suất tối thiểu toàn cầu mang lại cơ hội cho Việt Nam nhiều hơn là thách thức, cần sớm ban hành chủ trương thí điểm việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu và xây dựng các kịch bản trả lời cho các đối tượng chịu tác động; Rà soát và có thể duy trì chính sách ưu đãi thuế hợp lý đối với các doanh nghiệp không thuộc đối tượng điều chỉnh của GMT; Chủ động liên kết các nước trong khu vực để cùng đàm phán Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, chuyển giá, gian lận thuế và những rủi ro pháp lý khác.

Ngoài ra, dựa trên nhận định về các chính sách khác trong quá trình xây dựng, đều có chung vấn đề là thiếu liên kết nên lãng phí nguồn lực, Viện Quản trị chính sách khuyến nghị, thúc đẩy phát triển khoa học Chính sách:

Cần có cổng thông tin về thuế suất và công khai minh bạch đồng bộ hoá chính sách thuế và đầu tư nước ngoài, phù hợp trong bối cảnh kinh tế số và cơ sở dữ liệu liên thông; Chủ động đối thoại và tham vấn rộng rãi với các doanh nghiệp trong nước có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài và các quốc gia có doanh nghiệp thuộc đối tượng phải nộp thuế bổ sung; có lộ trình rõ ràng, phù hợp mục tiêu thu hút FDI và hội nhập kinh tế quốc tế. Dưới đây là nội dung tham luận của Chuyên gia Nguyễn Thy Nga tại hội thảo của Bộ Tài Chính do Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chủ trì 18.4.23

Từ Chính sách ra Cuộc sống và Từ Cuộc sống vào Chính sách:

Tháng 2.2023, Viện Quản trị Chính sách và Đề án Từ chính sách ra Cuộc sống đã công bố báo cáo 44 trang của Viện trưởng Nguyễn Thy Nga gồm báo cáo nghiên cứu và báo cáo khuyến nghị về “Đánh giá tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu trên các Quốc gia và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam” để gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng tài chính tiền tệ Quốc gia, Hội đồng giáo sư ngành Kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và tiếp tục liên kết nghiên cứu về thuế suất tối thiểu toàn cầu. Báo cáo đã nhận được sự quan tâm của các cơ quan, khẳng định vị thế tiên phong nghiên cứu và vai trò quan trọng của Viện Quản trị Chính sách trong chủ động tham gia xây dựng góp ý chính sách kinh tế Quốc gia.

Tháng 3.2023, Viện Quản trị Chính sách tiếp tục giai đoạn 2, phát triển nghiên cứu báo cáo “Khuyến nghị Chủ trương, chính sách của Việt Nam chủ động tham gia Thuế suất tối thiểu toàn cầu” và đề xuất giải pháp liên kết khoa học – doanh nhân trong Hệ sinh thái nghiên cứu và truyền thông chính sách “Chiến lược phát triển Việt Nam” thúc đẩy Đề án “Nghiên cứu phản ứng chính sách ứng phó của một số quốc gia trên thế giới về thuế tối thiểu toàn cầu và bài học kinh nghiệm với Việt Nam” mà Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ và có báo cáo chính trong Hội thảo của Bộ tài chính chủ trì.

Tháng 4.2023, Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chủ trì thúc đẩy giai đoạn 3: Viện Quản trị chính sách tổ chức Hội thảo công bố kết quả báo cáo thuế suất tối thiểu toàn cầu của Viện trưởng Nguyễn Thy Nga, tổng hợp ứng dụng công nghệ, liên kết cơ sở dữ liệu về thuế suất trình Chính phủ và Quốc hội. Khuyến nghị Chính phủ sớm có các diễn đàn đối thoại song phương, đa phương, xây dựng vào bản kiến trúc tổng thể về quá trình phát triển nội luật thuế suất tối thiểu toàn cầu. Khuyến nghị Viện Quản trị Chính sách là đầu mối của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, chủ trì tiên phong phát triển khoa học chính sách và ứng dụng công nghệ trong thúc đẩy các chủ trương chính sách lớn của đất nước, trong đó có thuế suất tối thiểu toàn cầu, thúc đẩy chính sách ban hành nhanh chóng, kịp thời đảm bảo quyền lợi và vị thế quốc gia, hài hòa với các đối tác quốc tế, đạt được mục tiêu thu hút FDI và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia.

Viện trưởng Nguyễn Thy Nga cho biết từ báo cáo tổng hợp giai đoạn 1 được công bố: thuế suất tối thiểu toàn cầu là cơ hội cho Việt Nam nhiều hơn là thách thức, các thách thức nếu có, diễn ra trong ngắn hạn, vì theo nghiên cứu của bà, không có bằng chứng nào cho thấy ưu đãi thuế làm tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, thậm chí thực tế còn ngược lại. Hầu hết, các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện tại ở ASEAN không nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư dài hạn. Thay vào đó được sử dụng để khỏa lấp cho những yếu kém trong năng lực quản trị và cơ sở hạ tầng, và đáp ứng mong muốn ngắn hạn của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, ưu đãi thuế thậm chí đã tạo ra môi trường đầu tư không công bằng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cập nhật đến hết tháng 4.2023: Đến nay 163 quốc gia (trong đó có Việt Nam) đã đồng thuận với giải pháp của OECD. Theo đó, các công ty có doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu euro (tương đương 870 triệu đô la Mỹ hoặc 19.500 tỉ đồng) trở lên sẽ bị áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu ở mức 15%. Các công ty đang hưởng thuế suất thấp hơn mức 15% tại quốc gia đầu tư sẽ phải nộp bổ sung khoản chênh lệch tại nước đặt trụ sở chính. Theo nguyên tắc đã công bố, các quốc gia có thể không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu nhưng buộc phải công nhận các quy định thuế tối thiểu toàn cầu mà quốc gia khác áp dụng.

Ở Việt Nam, theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài Chính, dựa trên quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, có khoảng 90 tập đoàn có lợi nhuận và chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Phần chênh lệch giữa thuế tối thiểu toàn cầu và thuế thực tế của 90 tập đoàn này ước tính từ 10.000-20.000 tỉ đồng trong năm 2024. Số tiền này các tập đoàn hoặc sẽ phải nộp về quốc gia có công ty mẹ nếu nước này áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, hoặc sẽ nộp vào ngân sách Việt Nam nếu Việt Nam tham gia thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Việt Nam cần sớm đưa ra các kịch bản tham gia thuế suất và ngay lập tức chủ động liên kết đối thoại với 90 doanh nghiệp này để đưa ra các chính sách ưu đãi phù hợp để tạo sự đồng thuận và tránh những rủi ro bị kiện về pháp lý do thay đổi chính sách, không còn đúng thoả thuận thu hút đầu tư ban đầu.

NGUYỄN THY NGA

Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển. Chủ nhiệm Đề án Từ chính sách ra Cuộc sống. Cố vấn và điều phối viên Quốc gia của Giải thưởng Stevie Awards tại Việt Nam.