Chuyên gia Nguyễn Thy Nga:
Như Bộ trưởng vừa chia sẻ, du lịch thông minh, chúng ta sẽ tăng cường sử dụng công nghệ, tăng cường sử dụng những phương thức đổi mới sáng tạo, tăng cường chuyển đổi số ở trong lĩnh vực ngành. Thời gian vừa qua Chính phủ đã ban hành rất nhiều giải pháp, và đã chọn ngày 10/10 là ngày Chuyển đổi số Quốc gia, và Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia cũng được thành lập để có thể thúc đẩy các Bộ, ngành, cũng như là hỗ trợ các tỉnh thành để tăng cường hơn nữa chuyển đổi số. Tiếp nhận ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch trong giai đoạn khó khăn nhất của bối cảnh COVID-19, thì Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã có những giải pháp trong ngành của mình liên quan đến chuyển đổi số, những giải pháp online và một số những dấu ấn khác. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết trong giai đoạn tới, ngoài du lịch thông minh, những giải pháp nào sẽ được triển khai mạnh hơn nữa để có thể thấy được bức tranh Chuyển đổi số Quốc gia sẽ có sự đóng góp, vào cuộc mạnh mẽ của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch?
Bộ trưởng Bộ VHTT và DL Nguyễn Văn Hùng:
Chuyển đổi số, kinh tế số là một xu hướng tất yếu mà tất cả các quốc gia sẽ đi theo hướng này. Việt Nam mình cũng không ngoại lệ. Chính vì vậy mà trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề cập đến nội dung này, và cũng đặt ra chỉ tiêu đóng góp của kinh tế số trong GDP. Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chúng tôi cũng ý thức được trách nhiệm của mình trong vấn đề cùng với các Bộ, ngành khác để liên tục triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội. Chính vì vậy, Bộ đã có sự chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong vấn đề Chuyển đổi số. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rộng, phải chọn trên cơ sở nguồn lực của chúng ta. Vì vậy mà chúng tôi chọn các nhóm giải pháp vừa làm, vừa rút kinh nghiệm sau thành công của những công việc mà chúng tôi đã làm trong đại dịch như nhà hát online, nhà hát truyền hình, tiếp đến chúng ta có các chương trình riêng và các ảnh hưởng uy tín của các nghệ sĩ thông qua không gian mạng để chúng ta truyền tải, chúng ta đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân. Nhưng rõ ràng với nghệ thuật không phải đơn giản chỉ chuyển đổi số là thành công. Vì vậy mà vừa làm, vừa nghiên cứu, vừa rút kinh nghiệm. Trước mắt chúng tôi cho rằng có ba nhóm cần được ưu tiên. Đó là phải chuyển đổi số một cách mạnh mẽ nhất trong hội bảo tàng, vì chỉ có chuyển đổi số qua hoạt động của bảo tàng thì nó mới tiếp cận đến với công chúng, với người dân, phải tạo ra một sự tiện ích. Và quả thực chúng tôi đã làm được bước đầu này. Bây giờ du khách không cần đến viện bảo tàng để chiêm nghiệm một hiện vật, mà bằng công nghệ của mình, họ có thể xem được tất cả các hiện vật được trưng bày ở bảo tàng với các chứng kiến khác nhau. Và chỉ cần một mã code người ta có thể dễ dàng truy cập được đẹp hơn, hiện thực hơn. Và như vậy để tạo cho họ một lần, sau khi được xem trên đấy thì đến trải nghiệm với thực tiễn.
Chúng tôi cũng chú ý đến nhóm đối tượng thứ hai cần phải số hóa, đó là lĩnh vực thư viện, để đưa văn hóa đọc đến với mọi người một cách tiện ích nhất, bồi đắp và nuôi dưỡng tâm hồn bằng lối đi riêng và quy luật riêng của tác động nghệ thuật, và nhất là nâng cao trình độ dân trí, nhận thức của con người, hành động qua những kiến thức được đúc rút qua sách vở. Văn hóa đọc trở nên thân thiện, gần gũi hơn, khắc phục được những việc mà chúng ta đang sai phạm.
Lĩnh vực thứ ba mà chúng tôi đang kí nhận để làm đó là các loại nghệ thuật cũng cần phải tính toán. Ngoài việc biểu diễn trực tiếp thì cần phải tính toán sâu hơn, kỹ hơn để có thể chúng ta làm được nghệ thuật này thông qua công nghệ. Và quá trình đó chúng ta không quên du lịch phải thực hiện nhiệm vụ dẫn đường trong gói Chính phủ đã giao cho Bộ, phải triển khai để chúng ta tạo được điều kiện đáp ứng được mong muốn của công tác quản trị Nhà nước và nhu cầu của du khách.
Các công việc này đang và sẽ được hoàn thiện trong thời gian ngắn nhất, góp một phần tích cực của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch trong quá trình Chuyển đổi số.
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga:
Vừa rồi Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã có chương trình khai mạc SEA games đã gây một tiếng vang cũng như tạo nên sự tự tôn dân tộc đối với bất kỳ người dân Việt Nam nào. Những chương trình hoạt động đã bắt đầu phục hồi trở lại, và trong năm 2022 này thì chương trình trọng điểm nào sẽ tiếp nối, và mong muốn Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch sẽ thể hiện tinh thần và hình ảnh đất nước như thế nào?
Bộ trưởng Bộ VHTT và DL Nguyễn Văn Hùng:
Chúng tôi xác định năm 2022 là năm thứ hai chúng ta tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, vì vậy nhiệm vụ của chúng tôi cũng rất nặng nề. Những công việc được khởi động năm 2021 được xác định là năm bản lề để triển khai, còn năm 2022 là năm tổ chức hành động. Chính vì vậy, chúng tôi phải tập trung cho cả ba nhóm lĩnh vực. Trước tiên đối với văn hóa, chúng tôi đã ưu tiên về vấn đề xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ. Đây là khâu rất quan trọng. Vừa rồi Bộ Văn hóa đã chính thức khởi động chủ đề Năm công tác ngành tại Nam Đàn – quê hương của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, danh nhân văn hóa của Thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc. Thông qua việc tổ chức triển khai đã lan tỏa ra một hiệu ứng rất tốt trong tất cả các tỉnh thành, và từ đó các địa phương đã hướng về xây dựng năm văn hóa cơ sở.
Về thể thao chúng tôi nghĩ rằng SEA games không chỉ là thể thao mà SEA games còn là nơi chúng ta thực hiện các nghĩa vụ tổng hợp về văn hóa, về kinh tế. Chính vì vậy mà không chỉ làm tốt lễ khai mạc mà phải điều hành thể thao và phát huy thể thao theo hướng thành tích cao. Việt Nam chúng ta đã từ chối lựa chọn những bộ môn Việt Nam có lợi thế để dành được huy chương mà chúng ta chọn những bộ môn tiếp cận đến Đại hội thể thao của châu Á, của liên minh quốc tế. Có thể chưa nhiều ý chưa phải, nhưng cái đích của chúng ta phải vươn ra biển lớn chứ không dừng lại ở sân chơi mang tầm khu vực. Và thể thao mang lại cho chúng ta một sự phấn chấn, khoẻ để xây dựng và kiến thiết quốc gia. Đó cũng là mục tiêu các quốc gia hướng đến, không chỉ là người Việt. Vì vậy mà trên tinh thần thể thao trong sáng, chúng ta nhận diện rõ hơn những nguồn lực của mình, những công việc cần phải làm để trình với Chính phủ một chiến lược thể thao có tính chất toàn diện, nhưng cũng có trọng tâm trọng điểm, ngắn gọn nhưng phải làm được. Các đề án trong chiến lược phải cụ thể hoá, bắt nguồn từ thực tiễn của cuộc sống chứ không phải chỉ lý luận đơn thuần mà không triển khai thực hiện được, khắc phục bất cập của những việc chúng ta triển khai chiến lược thể thao trong giai đoạn trước đây. Bên cạnh tổng thể về thể thao thì chúng ta cũng phải tính đến các bộ môn thể thao mà Việt Nam có điều kiện để phát huy, và những thể thao thành tích cao mà nếu được đặt đúng mức thì sẽ làm nền móng cho thể thao này. Thì chúng tôi cũng xây dựng một số bộ môn để tiến tới thể thao thành tích cao mà chúng ta hướng tới trong thời gian gần đây.
Nhiệm vụ thứ ba của chúng tôi, đồng hành với thể thao là du lịch và văn hóa. Vì vậy mà du lịch phải tập trung quyết liệt hơn nữa, đảm bảo an toàn tốt nhất khi chúng ta thực hiện du lịch. Ở đây không đơn thuần chỉ là dịch bệnh mà với du lịch thì ngày càng phong phú và đa dạng. Hiểu an toàn ở đây là về an ninh quốc gia, cả về trật tự xã hội, và về vấn đề bảo vệ các du khách đến. Vì vậy mà cần phải phối hợp rất chặt chẽ các bộ phận có liên quan để chúng ta thực hiện được các trọng tâm trong năm 2022 này như chúng tôi đã xác định là phải hành động. Và phương châm của Bộ là quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến, đó là xuyên suốt từ đầu năm đến nay, và phải nỗ lực thực hiện trong từng năm, chúng tôi sẽ cụ thể hóa theo chủ đề để tập trung chỉ đạo, đạt được yêu cầu cao nhất trong điều kiện có thể của mình.
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga:
Bộ trưởng đã chia sẻ một bức tranh dài cũng như là những điểm trọng điểm mà sẽ thực hiện, triển khai trong năm 2022, và Bộ trưởng cũng đã nhấn mạnh những điểm liên quan đến việc phát triển công nghiệp văn hóa về một bộ phim có thể tác động đến Thế giới liên quan đến hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Trong bức tranh toàn cảnh đấy thì chúng ta có thể nhắc đến Quảng Ninh là một tỉnh với chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh đã 5 năm liên tiếp đứng thứ nhất. Từ câu chuyện văn hóa, thể thao và du lịch, từ hình ảnh của công nghiệp văn hóa ở Quảng Ninh, làm sao có thể nhân rộng những hình ảnh như Quảng Ninh, làm sao để có được nhiều bộ phim được quay ở các tỉnh thành khác cũng có rất nhiều cảnh đẹp ở Việt Nam, và làm sao đưa hình ảnh của Việt Nam nhiều hơn đến với Thế giới từ bài học của Quảng Ninh, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bộ VHTT và DL Nguyễn Văn Hùng:
Tôi đồng tình với những nhận định này. Qua theo dõi tình hình phát triển văn hóa du lịch thể thao của tỉnh Quảng Ninh, ở góc độ là bộ quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, chúng tôi rất tâm đắc về những thành tựu mà Đảng Bộ chính quyền và nhân dân Quảng Ninh đã gây dựng. Theo chúng tôi, bài học mà Quảng Ninh dựng được đó là đã kế tục những thành quả lãnh đạo của các thế hệ cán bộ lãnh đạo của tỉnh qua các thời kỳ. Quảng Ninh đã đi trước đón đầu, Quảng Ninh có tầm nhìn toàn cầu và hành động địa phương, và tôi nghĩ chính cái nhìn toàn cầu và hành động của địa phương đã giúp cho Quảng Ninh định vị lại vị thế của mình. Phát hiện đâu là tiềm năng tiềm ẩn, đâu là điểm nghẽn để chúng ta hành động. Khi người ta đã thấy được cách nhìn rộng, và đặt ra ở mức độ là nhìn trong xu hướng vận động và phát triển, tầm nhìn không giới hạn là chỉ 5 năm, 3 năm mà còn dài hơn thế trong chiến lược. Cho nên Quảng Ninh đã thấy được lợi thế của mình mà như người Quảng Ninh nói là “từ chân rượi cửa biển”, và tôi nghĩ câu nói hình ảnh đấy đơn giản, mộc mạc ấy đã toát lên hết được rằng Quảng Ninh đã trân quý những giá trị di tích và di sản mà thiên nhiên ban tặng, con người quản lý xây dựng lại để biết sử dụng nó một cách linh hoạt, khai thác nó chứ không làm cạn kiệt nó mà bồi đắp cho nó. Vì vậy mà du lịch Quảng Ninh từng bước khởi sắc, đóng góp tích cực vào thành quả kinh tế chung. Quảng Ninh cũng từ thực nghiệm của mình đã phát triển, làm mới các sản phẩm. Carnaval Hạ Long chẳng hạn, đó cũng là một điểm sáng trong hoạt động này chứ không phải chỉ có Hạ Long đẹp rồi mời bạn bè đến, mà cái đẹp của tự nhiên đó là khi con người tác động vào, nó lại lan tỏa, quảng bá gắn việc tạo ra sản phẩm, và nhất là xây dựng hình ảnh của con người Quảng Ninh thân thiện, mến khách. Biết cách làm du lịch và lưu giữ khách là những ấn tượng đẹp cho bạn bè. Chính vì vậy mà Quảng Ninh đã đạt được những lợi ích đi kèm, đi kèm với phát triển du lịch thì văn hóa du lịch cũng từng bước phát triển, các thiết kế của văn hóa Quảng Ninh được xây dựng một cách đồng bộ, họ cũng có những cách làm và tầm nhìn toàn cầu. Ví dụ như bảo tàng của nhiều tỉnh, thành phố đang không có khách, nhưng mà ở Quảng Ninh lúc nào cũng có khách bởi vì ngay vị trí điểm đặt, cách nhìn và bài trí, lựa chọn các hạng mục, và với tầm nhìn như thế thì bao giờ cũng thu hút. Họ đến Quảng Ninh để tìm hiểu về truyền thống, về lịch sử, và nhất là con người, được thưởng ngoạn những cảnh đẹp, được dự những ẩm thực ngon và phong phú, chắc chắn bao giờ cũng là nơi mà mọi người yêu mến và lưu giữ bước chân của họ, để họ cùng với Quảng Ninh tham gia một cách trực tiếp hoặc gián tiếp trong quá trình phát triển xây dựng Quảng Ninh. Và tôi nghĩ là quá giai đoạn phát triển lâu, Quảng Ninh đang đi lên rất chững chạc trong phát triển xanh của một kỷ nguyên xanh.
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga:
Cảm ơn Bộ trưởng với những chia sẻ vừa rồi, và hy vọng rằng các tỉnh thành khác khi lắng nghe những chia sẻ của Bộ trưởng cũng sẽ học hỏi từ Quảng Ninh, hành động địa phương, tầm nhìn quốc gia và xu hướng toàn cầu. Kính chúc Bộ trưởng nhiều sức khỏe để lãnh đạo ngành với vai trò Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch là ngành có thể tác động lên mọi mặt của đời sống, chính trị, kinh tế và xã hội.