VIỆN QUẢN TRỊ CHÍNH SÁCH VÀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VIỆT NAM KHYẾN NGHỊ
Hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tham gia thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, nằm trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng góp phần cải thiện cán cân thương mại
Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới với 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, có 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ ước 16,1 tỷ USD, rau quả ước 7,1 tỷ USD, gạo ước 5,7 tỷ USD, cà phê ước 5,4 tỷ USD, hạt điều 4,3 tỷ USD, tôm 3,8 tỷ USD, cao su ước 3,2 tỷ USD). Đặc biệt, xuất khẩu rau quả, gạo, cà phê, hạt điều và hạt tiêu đều có bước tăng trưởng hai con số (cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%. Các mặt hàng như cá basa, cá ngừ, tôm, cà phê, hạt điều, đã có vị thế khá vững chắc trên thị trường, chiếm ưu thế và đã trở thành thực phẩm rất quen thuộc với người tiêu dùng các nước trên thế giới.
Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát huy hơn nữa vai trò của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta cần phải có đánh giá toàn diện về hiện trạng của các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thông qua những điểm chính sau:
Thứ nhất, về số lượng và hình thức tổ chức sản xuất
Hiện nay, cả nước có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, con số khiêm tốn trong tổng số 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước;
– Về hình thức tổ chức sản xuất, việc cơ cấu lại sản xuất sản phẩm nông nghiệp diễn ra theo hướng chuyển dần từ hộ sản xuất sang hình thức hợp tác xã, doanh nghiệp, nhưng với tốc độ chuyển dịch còn khá chậm.
Thứ hai, về hiệu quả sản xuất kinh doanh:
Trong giai đoạn vừa qua, mặc dù doanh thu của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có xu hướng tăng nhẹ, chiếm 15-16% doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp trong nền kinh tế nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp nhóm ngành trực tiếp sản xuất lại có xu hướng giảm. Nhìn chung, lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp trong ngành trực tiếp sản xuất nông nghiệp chỉ đạt 1,08 tỷ đồng, trong khi doanh nghiệp trong ngành chế biến sản phẩm nông nghiệp đạt 3,2 tỷ đồng lợi nhuận bình quân/năm.
Bên cạnh đó, năng suất lao động ngành nông nghiệp của chúng ta còn hạn chế chỉ bằng khoảng 38% năng suất lao động bình quân chung cả nước và thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực.
Thưa toàn thể Diễn đàn!
Một trong những mục tiêu quan trọng của Hội nghị ngày hôm nay là nhận diện rõ các khó khăn, thách thức cũng như nguyên nhân đang làm cản trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo thành điểm nghẽn trong tăng trưởng nông nghiệp hiệu quả và bền vững.
Qua phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp và tổng hợp từ báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, sau đây tôi xin tóm tắt các khó khăn, vướng mắc và hạn chế nội tại của doanh nghiệp và cơ chế chính sách theo 10 nhóm vấn đề chính sau:
Vấn đề thứ nhất, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất. Quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là quy hoạch các vùng nguyên liệu chưa được triển khai hiệu quả, còn thiếu sự ổn định.
Bên cạnh đó, quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra chậm, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng hóa quy mô lớn của doanh nghiệp; việc tiếp cận đất đai của nhà đầu tư thông qua việc nhận quyền sử dụng đất, thuê đất trực tiếp trên thị trường để tổ chức sản xuất nông nghiệp còn gặp khó khăn do chưa có sự đồng thuận của người sử dụng đất.
Vấn đề thứ hai, khó tiếp cận tín dụng; thuế và phí chưa hợp lý.
– Doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng, một phần do thiếu các quy định, hướng dẫn cụ thể về định giá tài sản trên đất nông nghiệp làm cơ sở xác định giá trị tài sản bảo đảm vay vốn ngân hàng.
– Quy định, thủ tục liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu chưa hợp lý, chưa khuyến khích được doanh nghiệp sản xuất trong nước so với doanh nghiệp nhập khẩu. Còn nhiều loại thuế, phí trong nông nghiệp gây khó khăn, cản trở kinh doanh, làm tăng chi phí của doanh nghiệp như phí kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, phí kiểm dịch thú y…
Vấn đề thứ ba, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp rất quan trọng để nâng cao năng suất, nhưng ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp ở Việt Nam còn nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng. Hiện nay, hầu hết máy móc thiết bị của doanh nghiệp đều phải nhập khẩu từ nước ngoài do ngành chế tạo máy phuc vụ nông nghiệp ở Việt Nam còn rất thô sơ, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường.
Vấn đề thứ tư, khó khăn về giống cây trồng, vật nuôi: Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay phải nhập khẩu giống cây trồng, vật nuôi từ nước ngoài. Một số doanh nghiệp phản ánh mặc dù phát hiện nhiều gen, giống cây trồng rất tốt từ các kết quả nghiên cứu trong nước, nhưng không thể hoặc rất khó tiếp cận và nhận chuyển giao từ các viện nghiên cứu của Nhà nước.
Vấn đề thứ năm, thị trường tiêu thụ không bền vững; chuỗi liên kết còn chưa chặt chẽ với các nhà phân phối bán lẻ lớn; chưa có tổ chức,cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp về phân tích, dự báo thị trường, khuyến nghị về sản lượng và giá bán.
Việc tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết vẫn còn nhiều hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân, doanh nghiệp còn yếu, vẫn còn xảy ra tình trạng dư thừa sản phẩm nông nghiệp ảnh hưởng tới thu nhập của người sản xuất.
Vấn đề thứ sáu, nhân lực đa số trình độ thấp, tính tự do, manh mún cao; chưa được đào tạo về tiến bộ của công nghệ, kỹ thuật. Lao động vùng nông thôn tuy dồi dào nhưng ý thức công nghiệp chưa cao, mất nhiều thời gian đào tạo và tuyên truyền vận động. Mối quan hệ giữa lao động nông thôn với các doanh nghiệp cũng chưa được gắn bó, ổn định.
Vấn đề thứ bảy, ưu đãi về đầu tư công nghệ trong nông nghiệp chưa đủ mạnh; còn nhiều rào cản đối với việc công nhận và đưa ra thị trường các sản phẩm công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp; sản xuất đại trà còn chậm, mang tính nhỏ lẻ nên hiệu quả mang lại chưa cao.
Vấn đề thứ tám, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như giao thông, thủy lợi, hạ tầng nuôi trồng thủy sản… chưa phát triển làm tăng chi phí cải cải tạo, chi phí vận chuyển, bảo quản hàng nông sản.
Bên cạnh đó, thị trường các yếu tố đầu vào bất ổn, một số yếu tố đầu vào phải nhập khẩu như thuốc bảo vệ thực vật phải nhập khẩu 100%, kể cả dung môi phụ gia với thuế suất 10-20% dẫn đến giá thành cao, trong khi kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có lợi nhuận biên thấp, rủi ro cao, chu kỳ kinh doanh lâu …
Vấn đề thứ chín, nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp còn bất hợp lý, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển chưa được thực thi một cách nghiêm túc ở một số địa phương.
– Vấn đề chồng chéo trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn chưa được giải quyết triệt để. Tình trạng một mặt hàng phải chịu sự kiểm tra của nhiều đơn vị khác nhau cùng thuộc Bộ đã và đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Thủ tục, thời gian kiểm tra chuyên ngành đối với nông sản xuất nhập khẩu còn bất hợp lý.
Vấn đề thứ mười, còn nhiều hạn chế trong quản lý nhà nước và truyền thông về an toàn thực phẩm, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thưa các quý vị đại biểu!
Nông nghiệp Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là phát triển các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm chế biến, có giá trị gia tăng cao và các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung vào một số nhóm giải pháp sau đây để giải quyết các khó khăn, vướng mắc nêu trên, khơi thông nguồn lực từ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể:
(i) Về phía các cơ quan Nhà nước: các Bộ, ngành, địa phương cần chú trọng các nhóm giải pháp chính sau:
Thứ nhất, về tư liệu sản xuất trong nông nghiệp:
– Nhanh chóng liên kết dữ liệu giải pháp tạo quỹ đất, quy hoạch các vùng đất nông nghiệp, vùng nguyên liệu minh bạch, ổn định. Nghiên cứu, sửa đổi chính sách tạo điều kiện cho việc chuyển đổi đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp.
– Liên kết dữ liệu và tổ chức thí điểm các mô hình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp tại một số địa phương để ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp.
Thứ hai, phải thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp.
– Cần ban hành chính sách đột phá về khoa học và công nghệ, khuyến khích các dự án đầu tư công nghệ trong một số lĩnh vực chủ lực như giống cây trồng; công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch; mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc….
– Cần có cơ chế nghiên cứu khảo nghiệm giống mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài nguyên về giống, kết quả nghiên cứu khoa học của các Viện, trường.
– Đẩy nhanh việc hình thành các Khu/ Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, trong đó phát triển, thử nghiệm các công nghệ tiên tiến, các mô hình đổi mới sáng tạo phục vụ cho nông nghiệp; quy tụ các nhà đầu tư, doanh nghiệp nông nghiệp, nhà nghiên cứu, tri thức…
Thứ ba, cần từng bước chủ động được thị trường, xây dựng thương hiệu nông nghiệp Việt Nam. Cần khẩn trương đổi mới mô hình đại diện thương mại ở nước ngoài để xúc tiến nông sản Việt Nam đối với các thị trường lớn, trọng tâm như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc…
Thứ tư, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nông nghiệp
– Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học-kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp; Hỗ trợ đào tạo nông dân; lao động trong trang trại; lao động trong doanh nghiệp nông nghiệp, thành viên hợp tác xã.
– Xây dựng và ban hành chính sách thu hút chuyên gia trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực nông nghiệp, kết nối với các doanh nghiệp nông nghiệp; thu hút người lao động có trình độ cao về hợp tác xã nông nghiệp.
– Tổ chức sản xuất và liên kết dữ liệu, thúc đẩy đội ngũ chuyên gia xây dựng chính sách nông nghiệp, huy động nguồn lực liên kết, xem nông dân và doanh nghiệp là trung tâm thúc đẩy.
Thứ năm, tăng cường chủ trương ứng dụng công nghệ vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tận dụng tối đa các nguyên liệu, phế phụ phẩm, tái chế chúng thành các sản phẩm, tạo thành cơ chế tuần hoàn trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng đa chức năng trong nền nông nghiệp tuần hoàn.
(ii) Về phía các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, đề nghị nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên, là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và Chính phủ; tổng hợp các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp, chuyển tới các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thơi xử lý, giải quyết, tháo gỡ cho doanh nghiệp.
(iii) Đồng thời về phía cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần tiếp tục:
– Nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, nỗ lực cùng Chính phủ và người dân Việt Nam chung sức đưa các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn thành công.
– Đẩy mạnh tái cơ cấu, tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh, phát huy vai trò đầu tàu trong chuỗi liên kết, chuỗi giá trị nông nghiệp; hỗ trợ nâng cao năng lực của các hộ nông dân, hợp tác xã theo hướng sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ;
– Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng của Cách mạng công nghiệp 4.0; nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ.
(iv) Sử dụng tối đa các công cụ đo lường và phân tích trong xây dựng chính sách nông nghiệp
Các công cụ đo lường và phân tích (bao gồm cả các công cụ đo lường của quốc tế sử dụng trong nội bộ các cơ quan truyền thông chính sách, các công cụ đặc biệt có thể tạo dashboard tới từng chuyên gia, phóng viên, biên tập viên và hệ thống áp dụng chung, để các cơ quan đánh giá độc lập có thể theo dõi và xếp hạng). Để truyền thông chính sách hiệu quả cần phải sử dụng những công cụ đo được những hình thức tiếp cận nào đang hoạt động hiệu quả hoặc không hiệu quả, những công nghệ truyền thông nào thu hút được người dân, doanh nghiệp, cách thức họ tương tác với những thông tin nhất định. Một số những công cụ đo lường hiệu quả như Google Analytics, đo lường lượng traffic theo tuần/tháng/quý/năm. Thời điểm nào trong tuần có lượng truy cập cao nhất, có bao nhiêu khách hàng truy cập bằng thiết bị di động, laptop và máy tính để bàn, số người tham gia đọc các khảo sát, các nội dung truyền thông chính sách, thời gian đọc trong bao lâu. Tỷ lệ thoát ra khỏi các khảo sát, báo cáo nghiên cứu, các thông điệp truyền thông. Cùng với Google Analytics, Scoop.it là công cụ đo lường website thứ hai được các đơn vị quản lý tác động truyền thông ưa chuộng sử dụng. Scoop.it đo lường được các dữ liệu về lượng khách hàng truy cập vào website, lượt xem, cũng như đánh giá và chia sẻ bài đăng của bạn… Bên cạnh rất nhiều công cụ đo lường hiệu quả truyền thông chính sách, một trong những công cụ đo lường hiệu quả thông điệp truyền thông chính sách mà các cơ quan nên cân nhắc sử dụng đó chính là Chartbeat. Không chỉ đưa ra những dữ liệu quan trọng để đánh giá xem nội dung nào của bạn đang hiệu quả nhất, công cụ đo lường hiệu quả marketing này còn cung cấp những dữ liệu khác về người dùng theo thời gian thực: hành vi của người dân, doanh nghiệp, thời gian dùng trên trang… Điều này vô cùng hữu ích, bởi những nhà quản lý nội dung nhanh chóng phản ứng và tương tác kịp thời với người dùng sau khi đọc các dữ liệu thực.
(v) Trực tiếp thu thập dữ liệu người dân doanh nghiệp thông qua các khảo sát, nghiên cứu, đảm bảo an toàn an ninh thông tin mạng.
Dữ liệu trực tiếp là nguồn nội dung quan trọng để phát triển chính sách. Chiến lược thu thập dữ liệu sẽ giúp các cơ quan xây dựng chính sách xác định rõ đối tượng khảo sát, từ đó mở ra các cơ hội để cải thiện chất lượng truyền thông, trải nghiệm người dân, doanh nghiệp, đồng thời tạo ra những phân khúc hấp dẫn các cơ quan mua dữ liệu và các tài nguyên số. Ngoài xây dựng nội dung hấp dẫn có thể thu hút người dân, doanh nghiệp truy cập trực tiếp và đăng ký trên các hệ thống digital, thì cần cần đầu tư vào các hệ thống công nghệ để thu thập và phân loại dữ liệu từ khảo sát, nghiên cứu.
Phát triển chính sách trên các mạng xã hội không chỉ là Facebook và YouTube (còn rất nhiều kênh thu hút đông đảo giới trẻ như: TikTok, Snapchat…) và hoàn toàn chưa hiện diện ở hình thức OTT hoặc ứng dụng messaging (WhatsApp, Viber, Zalo…) thu thập lượng thông tin lớn hơn và cá nhân hóa các thông tin theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, giảm bớt sức lao động cho các nhân viên truyền thông, phóng viên, báo chí và giúp họ có thời gian tập trung vào những chủ đề lớn và các cơ quan xây dựng chính sách không cần nhiều nhân lực.
Trong cơ hội thu hút đầu tư quốc tế của giai đoạn cơ cấu dân số vàng trên 100 triệu dân, nhiều quốc gia đã tận dụng được cơ hội này để bứt phá, phát triển nhanh. Tất cả các nước công nghiệp mới ở châu Á đều cất cánh bay lên nhờ đã tận dụng thành công giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Tuy nhiên, cũng không ít quốc gia đã bỏ lỡ, chìm sâu trong bẫy thu nhập trung bình. Hơn bao giờ hết đây là giai đoạn chúng ta cùng quyết liệt ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy nghiên cứu, truyền thông chính sách quốc gia, tạo động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng, tất cả cùng chung tay để tạo nên một Việt Nam hội nhập, như mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Với tất cả những nỗ lực, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và toàn thể hệ thống chính trị, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, từ vai trò cầu nối quan trọng của Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, sự liên kết chiến lược Dữ liệu Quốc gia, huy động nhân dân đồng hành cùng Chính phủ, tôi tin tưởng rằng, các khó khăn, rào cản của doanh nghiệp sẽ sớm được tháo gỡ để thúc đẩy doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Nam nói riêng và đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung.